Makgeolli là loại rượu truyền thống của Hàn Quốc được làm từ gạo hấp hay gạo thông thường và men. Hợp chất gạo và men được chưng cất qua một bộ lọc rồi chảy vào một bình gốm. Rượu tinh khiết là loại lọc hết bã rượu còn rượu sữa là loại rượu cồn lên men với nhiều nước hơn. Rượu Makgeolli ngon thường có nhiều vị khác nhau như vị đắng, vị ngọt, vị chua và một số vị khác nữa. Makgeolii lại trở thành thứ đồ uống ưa thích vì có thể xua tan đi cơn khát sau một ngày làm việc vất vả. Makgeolli có nồng độ cồn khoảng 6%.
Makgeolli còn được coi là một thức uống có lợi cho sức khỏe do nó được sản xuất từ quá trính lên men ngũ cốc.
Viện Nghiên cứu Thực phẩm Quốc gia Hàn Quốc cho biết đã phát hiện được chất chống ung thư Farnesol trong rượu gạo lên men truyền thống Jangsoo Makgeolli của Hàn Quốc. Farnesol là một hợp chất được chứng minh có đặc tính chống khối u và chống vi khuẩn. Các phân tích cho biết lượng Farnesol trong rượu Makgeolli cao gấp 25 lần so với rượu vang và bia. Một quan chức của Viện giải thích nếu một người uống hai lần một tuần, mỗi lần từ ba đến bốn cốc thì sẽ có khả năng chống được ung thư. Chính vì công dụng này, mà giờ đây lại có rất nhiều người dân tìm đến với makgeoli.
Lịch sử rượu gạo bắt đầu từ thời cổ đại. Dưới triều đại Goryeo, makgeolli có tên là “rượu hoa lê” vì người ta lên men rượu vào thời điểm hoa lê nở. Dưới triều đại Joseon, makgeoli phổ biến khắp cả nước và đến đầu thế kỷ 20, nó phổ biến đến nỗi nhiều gia đình nấu rượu để uống hoặc để bán với số lượng lớn. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, sau khi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát lương thực, makgeolli đã phải nhường chỗ cho các loại đồ uống có cồn khác như soju và bia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ làm bia rượu, hương thơm và mùi vị của makgeolli đã được cải thiện rất nhiều.
Makgeolli ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trong nước mà còn ở cả nước ngoài với sản lượng xuất khẩu tăng cao. Hôm thứ hai (27/7/2009), Cục Hải quan Hàn Quốc cho biết trong nửa đầu năm nay, Hàn Quốc đã xuất khẩu 2.635 tấn makgeolli trị giá 2,1 triệu đô-la. Gần đây, số lượng makgeoli xuất khẩu sang Nhật Bản tăng khá nhanh. Người Nhật Bản tin tưởng rằng loại rượu lên men này của Hàn Quốc tốt cho sức khỏe và cùng với làn sóng văn hóa nhạc pop của Hàn Quốc, nhu cầu rượu makgeoli đã tăng vọt trong những năm gần đây. Công nghệ bảo quản đã góp phần đáng kể vào việc tăng lượng Makgeolli xuất khẩu. Nếu công nghệ lên men và sản xuất rượu giúp cải thiện hương vị Makgeolli thì công nghệ bảo quản tốt sẽ giúp vận chuyển makgeolli xa hơn và thời hạn sử dụng lâu hơn. Trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu makgeoli liên tục tăng, tăng gấp 8 lần chỉ trong 10 năm từ 631 tấn (khoảng 614.000 đô-la) năm 1998 lên 5.457 tấn trị giá 4,42 triệu đô-la năm 2008, đồng thời lượng tiêu thụ trong nước cũng tăng cao. Với quan niệm tốt cho sức khỏe, ngày nay, makgeolli được ưa thích tại Hàn Quốc.
Makgeolli ngày nay hoàn toàn khác với makgeolli ngày xưa, makgeolli được bán trên thị trường với nhãn mác riêng, mẫu mã và hương vị đa dạng để đáp ứng khẩu vị của người tiêu dùng trẻ tuổi. Makgeolli cũng đang nỗ lực để trở thành một thương hiệu toàn cầu như rượu vang và vodka.