1. Nhật Bản: Càng lớn càng được mừng tuổi nhiều
Không quá chú trọng Tết Âm Lịch nhưng chẳng phải vì vậy mà người Nhật Bản “bỏ rơi” phong tục Lì Xì. Khi hoa anh đào bắt đầu nở rộ trên con đường dẫn đến hồ Kawaguchi cũng là lúc người Nhật trao nhau Ootoshidama (hay お年玉) - bao Lì Xì mang sắc trắng tao nhã đề tên người nhận. Bao Lì Xì sử dụng trong dịp Tết Âm Lịch có thiết kế đơn giản hơn loại dùng cho ngày cưới - thường được trang trí thêm một chiếc nơ duyên dáng.
Ở Nhật, độ tuổi nhận lì xì là đến hết cấp 3. Trước kia, quà mừng tuổi có thể là bánh gạo, kẹo, đồ chơi... nhưng dần dần tiền mặt đã phổ biến hơn. Đứa trẻ càng lớn thì tiền mừng tuổi càng tăng, vào khoảng 1.000 đến 10.000 yên (~200 - 2 triệu đồng). Tiền lì xì có thể dùng mua truyện tranh hay để dành cho việc học đại học sau này.
2. Hàn Quốc: Có khi trong bao lì xì là vàng, ngọc, đá quý
Tại xứ sở kim chi, Tết Nguyên Đán còn được biết đến với tên gọi Seollal (hay 설날). Thay cho sắc đỏ, người Hàn Quốc dùng bao Lì Xì màu trắng, được nắn nót viết sẵn tên người nhận. Mệnh giá thông dụng dao động từ 10.000KRW (~215.000VND) đến 50.000KRW (~1.065.000VND). Không chỉ người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ mà những đứa con xa xứ cũng có thể bày tỏ lòng kính yêu đối với đấng sinh thành bằng bao Lì Xì đầy tâm ý.
Trước khi nhận lì xì, trẻ con ở Hàn phải làm lễ Sebae để bày tỏ lòng kính cẩn với ông bà, cụ thể là chắp tay và cúi gập người xuống. Trước khi cúi, bọn trẻ hô vang "saehae bok manee badesaeyo", có nghĩa "mong nhiều phúc lành sẽ đến với ông bà".
Thực hiện xong nghi lễ Sabae, trẻ em được nhận lì xì và đây mới là màn hồi hộp nhất. Vì ở Hàn, người ta không chỉ lì xì bằng tiền mà còn có vàng, ngọc hay đá quý với nhiều ý nghĩa may mắn. Theo đó, tùy vào điều kiện từng gia đình mà món quà mừng tuổi sẽ khác đi nhưng đều mang giá trị tinh thần thiêng liêng.
3. Trung Quốc: Tiền lì xì thường là số lẻ
Vì người Trung Quốc quan niệm, số lẻ trong bao lì xì ngụ ý tiền sẽ sinh sôi hơn nữa trong năm tới.
Một điều thú vị khác về cách lì xì ở Trung Quốc là trẻ em sẽ được lì xì trong bữa cơm tối với gia đình hoặc do cha mẹ đặt dưới gối ngủ. Một số nơi còn chuyển phong bao lì xì qua đường bưu điện hay hiện đại hơn là lì xì online thông qua ứng dụng WeChat.
Bên cạnh trao lì xì trong bữa tối, đặt dưới gối nằm theo truyền thống... thì ngày nay ở Trung Quốc cũng rất chuộng lì xì qua ứng dụng WeChat
Dù vậy, những giá trị truyền thống của phong bao lì xì vẫn được gìn giữ, ví dụ như lời cảm ơn kính cẩn, câu chúc mừng năm mới mà trẻ em gửi đến ông bà, cha mẹ và các vị khách khứa.
Phong bao lì xì (gọi là hongbao trong tiếng Quan thoại hay lai see trong tiếng Quảng Đông) vẫn luôn là màu đỏ may mắn với họa tiết chữ nổi Cát, Lộc hay hình ảnh Rồng, Phượng, 12 con giáp,...
4. Một số phong tục khác ở các nước
Bao lì xì đỏ cũng rất phổ biển với người gốc Hoa ở Cam-pu-chia với tên Ang Pav và ở Philippines với tên Ang Pao. Ở Cam-pu-chia, tương tự như Việt Nam, người đã có việc làm sẽ không nhận lì xì nữa mà thay vào đó sẽ mừng tuổi cho bố mẹ, em, cháu trong gia đình.
Ngoài ra, người theo đạo Hồi ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore còn dựa vào bao lì xì đỏ để sáng tạo nên bao lì xì màu xanh lá cây, trao cho nhau vào dịp lễ Eid al-Fitr - ngày đánh dấu sự kết thúc của Ramadan, tháng ăn chay thiêng liêng của người Hồi giáo.